Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

VIẾT THAY LỜI YÊU ANH!

                                                                     Nguyễn Thị Sự*
       
         Có lần con hỏi: “Ngày trước bố ở ngoài đảo Trường Sa, mẹ có nhớ bố không?”. Bây giờ có nhiều đêm con lại hỏi: “Hôm nào ở nhà cũng chỉ có 3 mẹ con, mẹ có nhớ bố, yêu bố không mà sao những ngày bố về mẹ không nói gì cả”. Ôm chặt con vào lòng, em chỉ lặng im, trong lòng lại trào nên bao buồn vui khó tả, Những lúc ấy, em muốn nói rằng: “Con biết không, lúc nào mẹ cũng nhớ và yêu bố lắm!” nhưng sao bao lời yêu thương với anh lại không nói được.
Gần 20 năm rồi, dù thời gian đã trôi qua, nhưng kỷ niệm của những ngày “giông tố” như vẫn hiện ra trước mắt em. 
Ngày ấy, em là cô giáo mới ra trường, chưa hiểu lắm về cuộc sống của những người lính, nhất lại là những người lính đảo, và cũng không biết Trường Sa, Hoàng Sa như thế nào?. Vậy mà dám nhận lời yêu và làm vợ của anh, để rồi em đã khóc rất nhiều khi biết rằng, chỉ 5 hôm sau ngày cưới anh lại tiếp tục ra Đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Ở trường, vào những giờ ra chơi, em thẫn thờ nhìn trên bản đồ Việt Nam, đây là Hoàng Sa, còn đây là Trường Sa. Sao Trường Sa lại xa đến thế, nó chỉ là những chấm nhỏ li ti thì anh ở chỗ nào?. 
Lần nhận được lá thư đầu tiên của anh gửi về là lần em oà khóc như chưa từng được khóc. Vẫn là nét chữ thân quen, mà sao em thấy như ở đó vẫn còn đọng lại hơi ấm bàn tay anh được quyện với nắng, với gió và phải vượt qua bao quãng đường dài để về với em. Thư anh viết về em không cho ai xem cả, bởi em muốn những tình cảm ấy chỉ giành riêng cho em, và lại càng không muốn tình cảm của anh gửi gắm trong những lá thư bị người khác lấy mất, như thế có ích kỷ lắm không anh?. Lá thư nào cũng vậy, anh thường nói rằng, “Trường Sa xa lắm xa xôi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương, chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng, quanh đảo trúc san hô…”. Mãi sau này, em mới biết đó là lời bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long. Kể từ đó, em rất thích nghe những bài hát về Trường sa, và lần nào cũng vậy, em lại khóc khi nghe những bài hát ấy. Em đã thuộc làu những dòng thư anh viết từ nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Anh kể rằng, quần đảo Trường Sa có nhiều đảo lắm, có những hòn đảo nổi, đảo chìm nằm giữa biển khơi như Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang, Phan Vinh… Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát, Thuyền Chài, Tốc Tan, Tiên Nữ,… Còn anh đóng quân trên hòn đảo nổi có tên rất đẹp - Đảo Sơn Ca. 
Đảo không rộng và cũng chỉ có hơn một trăm cán bộ, chiến sĩ. Cũng như các đơn vị bộ đội ở đất liền, hàng ngày, anh cùng đồng đội vẫn thực hiện đầy đủ các chế độ trong ngày, trong tuần, tham gia luyện tập bắn súng, chiến thuật, học tập chính trị, canh gác giữ đảo… Cuộc sống trên đảo tuy còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tất cả mọi người vẫn ngày đêm hăng say luyện rèn, tay chắc súng canh giữ đảo, bởi ở đó có bao cán bộ, chiến sĩ đã đổ máu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh còn kể rằng, vào những đêm trăng sáng, đi tuần tra trên đảo, nghe tiếng sóng biển rì rào, được ngắm nhìn ánh trăng như rát vàng trên mặt biển, anh nhớ em lắm. Những lúc ấy, anh chỉ muốn được như cánh chim bay về bên em, nhưng lại ước có em bên cạnh để thấy được biển trời của đất nước mình đẹp và nên thơ quá. Rồi những ngày tháng thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, đồng đội phải chia nhau từng chậu nước, từng nắm rau; lại có những ngày mưa giông, sóng biển cuồn cuộn như muốn nhấn chìm hòn đảo nhỏ, anh và đồng đội phải chung tay giữ từng cột nhà, che từng ụ súng… Tất cả đều rất bình thường với người lính đảo, bởi sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau đã tạo nên sức mạnh để anh và đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng vui nhất là mỗi khi có tàu ra đảo, bởi gần như cả đảo ai cũng cũng có thư từ hậu phương gửi tới. Dù là thư của bố mẹ, của vợ, của người yêu, hay chỉ là những lá thư kết bạn, nhưng cả đảo vẫn vui như một ngày hội. Rồi những lần có đoàn văn công ra đảo biểu diễn, cả đảo lại cất cao tiếng hát cùng các ca sĩ, biết bao lời tâm sự được viết vội trong từng trang nhật ký, cuốn sổ tay, những tấm hình chụp chung bên cột mốc, dưới tán lá bàng vuông, cây phong ba, bão táp… Tất cả đã tạo nên những nét rất riêng mà chỉ có người lính đảo Trường Sa mới có. 
Có lần anh bảo, lính đảo khéo tay lắm, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, họ ra bãi cát, tìm dưới thềm san hô và nhặt các loại ốc về kết thành những đoá hoa thật đẹp. Người thì bảo để làm kỷ niệm, người thì bảo để tặng người thân, người yêu, còn anh đã để giành tặng em những “nàng” ốc “Nón”, “chú” ốc “Càng”, “anh” ốc “Thông tin” và cả những cành hoa, chùm nho chín được làm từ hàng trăm con ốc nhỏ…
Lần ấy anh đi, hơn 2 năm mới trở về. Khi anh đi, con chưa sinh, ngày anh sắp hoàn thành nghĩa vụ, con đã biết chạy sang nhà hàng xóm chơi. Anh bảo, tuy chưa được nhìn thấy mặt con, nhưng anh vẫn tưởng tượng con gái mình đáng yêu và ngoan lắm, chắc chắn con có khuôn mặt, đôi mắt, cái mũi, cái mồm giống bố… Anh vẫn trách sao em không gửi cho anh một tấm hình của con để anh được ôm ấp, tâm sự với con. Nhưng em lại muốn ngày anh về sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc của không khí một gia đình. Mấy hôm ở với ông bà, con đã thuộc lòng bài thơ “Thư gửi bố ngoài đảo” của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tối nào con cũng hỏi, sao bố lâu về thế, rồi lại bi bô đọc câu được câu chăng bài thơ bà đã dạy cháu, làm em càng thêm nhớ anh: 
“Bây giờ sắp Tết rồi
 Con viết thư gửi bố
 Bà bảo đừng nhắc nhiều
 Kẻo bố mày vấp ngã…
 Ngoài ấy chắc nhiều gió
 Đảo không có gì che
 Ngoài ấy chắc nhiều sóng
Bố lúc nào cũng nghe
Bố lắng nghe tiếng sóng
Lắng nghe tiếng chim bay
Phân biệt tiếng tàu giặc
Rình ngoài khơi đêm ngày
Bà bảo hàng rào biển
Là bố đấy bố ơi
Cùng các chú bạn bố
Giữ đảo và giữ trời…”.
Khi trời bắt đầu sang đông là ngày anh được nghỉ phép trở về đất liền. Không báo tin, mà anh tự đạp xe hơn 10 km để vào trường đón em… Em vẫn xúc động mỗi lần nhớ lại ngày ấy. Có một hôm anh đưa cho em tờ báo Quân đội nhân dân và bảo: “Tờ báo này có bài của anh viết tặng em đấy, em đọc ở trang 2 sẽ thấy”, em đọc và nước mắt cứ trào ra, trong đó có đoạn viết: “Nhìn dáng em gầy giữa núi rừng chiều đông giá buốt, lòng tôi nghẹn lại, bỗng nhiên tôi buột miệng: “Em ơi!”. Như có linh cảm, em quay lại, thấy người lính mặc quân phục hải quân, tôi bước về phía em, ôm chặt em vào lòng trước sự ngạc nhiên của bao người dân quê và những đôi mắt tròn ngây thơ của đám học sinh tiểu học. Tôi khẽ hỏi: “Có nhớ anh không?”. Em oà khóc như chưa từng được khóc. Nhiều giáo viên trong trường cũng vội quay mặt đi và lấy khăn lau nước mắt...”
Anh! Những dòng chữ này em đã viết từ rất lâu, mỗi ngày viết một lúc vào những khi nhớ anh, và em cũng không cho anh biết, không kể với ai, bởi em muốn giành trọn tình yêu cho anh. Anh vẫn xa nhà, vẫn tiếp tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhưng ở nơi xa ấy, anh hãy an tâm công tác vì đã có hậu phương vững chắc, và không chỉ riêng em, mà còn có biết bao người mẹ, người vợ và cả đất nước mình đang dõi theo từng bước chân anh cùng đồng đội, luôn hướng trái tim mình vì Trường Sa thân yêu.
Em biết rằng, tuy không nói ra, nhưng những tình cảm của anh đối với em vẫn đầy và mặn mà như nước biển Đông, mộc mạc như tâm hồn của những người lính đảo, dù bão tố, phong ba không làm lay chuyển ý chí và nghị lực cũng như tình yêu gia đình, quê hương và biển đảo trong anh. Mỗi lần được đọc, được xem những bài viết, hình ảnh về Trường Sa, em vô cùng hạnh phúc, tự hào bởi em có anh - người đã cho em thêm yêu màu xanh áo lính và biển đảo của đất nước mình.
                                                     Hải Dương, tháng 9 năm 2013
*Giáo viên Trường Tiểu học bắc An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương                                                                            
  (Bài đạt giải nhất Cuộc thi "Tuổi trẻ với biển đảo quê hương" năm 2013 do Trung ương Đoàn thanh niên phối hợp Báo Thanh niên, Quân chủng Hải quân tổ chức)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét