Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 của các thế lực thù địch, phản động

Kể từ ngày 6 tháng 1 năm 1946 - Ngày bầu cử đầu tiên của đất nước sau khi chúng ta giành được độc lập, trải qua 70 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, với mỗi người dân Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là dịp thể hiện quyền công dân cao nhất, bằng việc lựa chọn người đủ đức, đủ tài làm đại diện cho mình.
Đối với Nhà nước, cuộc bầu cử lần này nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Có thể nói, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện sự phát triển, đổi mới của đất nước, sự sáng suốt, tin tưởng và sự kỳ vọng của nhân dân vào cơ quan đại diện quyền lợi cho họ.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần đất nước ta có những hoạt động chính trị quan trọng thì các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng, phá hoại chế độ và sự nghiệp đổi mới của Nhà nước, nhân dân ta. Vì thế, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nắm vững nguyên tắc, quy định bầu cử, sắp xếp thời gian... mỗi chúng ta phải nâng cao cảnh giác trước những âm mưu của các phần tử bất mãn, phản động phá hoại hoạt động trọng đại, đầy ý nghĩa này.
Qua các cuộc bầu cử trước đây và việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp vừa qua cho thấy, bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn để chống phá ta với phương thức ngày càng tinh vi và cường độ ngày một điên cuồng hơn. Vì vậy, mỗi người dân cần cảnh giác với thủ đoạn tung tin, dựng chuyện chia rẽ đoàn kết nội bộ, gây nghi ngờ lẫn nhau, đây là mục tiêu tiên quyết của các thế lực thù địch.
Điểm dễ nhận thấy là các thế lực thù địch lợi dụng dựng chuyện cho rằng thiếu “công bằng”, thiếu “đồng đều” giữa các vùng miền hay dân tộc khi giới thiệu đại biểu; đặc biệt hơn, chúng dựng lên những phe, nhóm để suy đoán và tạo “diễn đàn” ủng hộ “một phe nhóm vô hình” do chúng đặt ra nhằm thu hút cộng đồng bày tỏ quan điểm, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Cùng với thủ đoạn kích động, khoét sâu vào những hạn chế trong quản lý nhà nước, tung tin vu cáo cán bộ lãnh đạo, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị còn tập trung vào một số hạn chế, khuyết điểm như: Nạn tham nhũng, lãng phí... để kích động dư luận bày tỏ thái độ bất mãn, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và các cơ quan Nhà nước, từ đó phủ nhận những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được. Đồng thời tăng cường việc vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, các cán bộ đứng đầu chính quyền địa phương, đặc biệt những người được đề cử bầu vào đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; từ đó hạ thấp uy tín các đại biểu, phủ nhận vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất...
Bằng những thủ đoạn khai thác thông tin, nắm bắt những vụ việc, vụ án chưa được giải quyết dứt điểm, chúng kích động người dân phát tán đơn thư, tìm cách xúi giục khiếu kiện đông người, đánh vào tâm lý nôn nóng của một bộ phận dân cư, sự thiếu hiểu biết về pháp luật, để tích cực hỗ trợ người dân khiếu kiện đông người và vượt cấp nhằm phá hoại các hoạt động lớn của dân tộc và mượn những hình ảnh đó tiếp tục xuyên tạc không đúng về tình hình trong nước để kêu gọi can thiệp từ bên ngoài; gia tăng các hoạt động phỏng vấn, trao đổi quan điểm đối với phần tử bất mãn, từ đó đặt ra vấn đề “đưa Quốc hội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”... Đây là thủ đoạn thâm độc mà mục đích cuối cùng của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan Nhà nước, từng bước thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao cảnh giác với âm mưu của chúng, đặc biệt trên các phương tiện thông tin, các trang mạng xã hội như facebook, twitte... với sự tham gia của phần lớn bạn trẻ nhận thức thiếu sâu sắc và có phần nông nổi dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Những thủ đoạn trên chỉ là một số âm mưu mà các thế lực thù địch đã và đang triển khai chống phá cách mạng Việt Nam trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội ở từng địa phương cần cảnh báo sớm cho người dân về những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tích cực tuyên truyền vận động, giúp cho nhân dân hiểu đúng về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nêu cao trách nhiệm của mình, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Đối với mỗi người dân cần  tỉnh táo, có nhận thức đúng, biết đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích của dân tộc, đất nước, tránh vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của cộng đồng, dân tộc; góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam không ngừng phát triển với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
                                                        Lê Quang Thà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét