Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Cần phát huy sức mạnh tổng hợp để khảng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa.

Căn cứ trên sử liệu, đặc biệt là cổ sử (tức những ghi chép từ khi Việt Nam độc lập năm 1945 trở về trước), thì Hoàng Sa và Trường Sa chắc chắn thuộc về Việt Nam.

 Tuy nhiên hiện tại, ngoài việc vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên vùng biển Đông nói chung và trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng thì cả Malaysia, Philippines và Brunei cũng đều có ý muốn xác lập chủ quyền đối với ít nhất là một phần của quần đảo Trường Sa. Những lý lẽ họ đưa ra chủ yếu là từ khía cạnh địa lý (tức là khoảng cách địa lý giữa Trường Sa và lãnh thổ các nước này), thay vì có bằng chứng lịch sử.

Theo pháp lý quốc tế, sự gần kề về địa lý không có giá trị, trừ phi hòn đảo hoặc quần đảo đang xét nằm trong lãnh hải của một quốc gia (theo quy định là 12 hải lý tính từ đất liền). Không thiếu trường hợp đảo, quần đảo nằm gần nước này nhưng lại thuộc chủ quyền nước khác (như Greenland gần Canada nhưng lại thuộc Đan Mạch). Do đó, Malaysia, PhilippinesBrunei không có nhiều cơ sở để sở hữu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, người đã tìm đọc khá nhiều cổ sử Trung Quốc cũng như phần nửa trong số các tài liệu của Trung Quốc từ giữa thập kỷ 1950 đến nay khẳng định: "Sử liệu của Việt Nam chắc chắn và liên tục hơn sử liệu Trung Quốc, mặc dù xuất hiện trễ hơn. Các học giả Trung Quốc cho rằng từ thời Đông Hán, Trung Quốc đã có những biên chép về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, sử liệu của họ về vấn đề này không rõ ràng và thuyết phục như của Việt Nam". Những tư liệu cổ sử của họ là các biên chép dạng "du ký" của các nhà hàng hải theo kiểu "trông thấy thì ghi lại", chứ không phải chính sử và không nhằm mục đích xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, trường Sa.
Trong khi đó, mặc dù sử liệu ở Việt Nam muộn hơn nhưng hầu hết các biên chép thể hiện sự khẳng định chủ quyền đều nằm trong các bộ sử chính thống do Quốc sử quán biên soạn, như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục... Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng cho rằng, căn cứ trên cổ sử, "chỉ Việt Nam mới có cơ sở vững chắc để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của mình". Điều đáng nói là trong khi sử liệu của Trung Quốc yếu lý hơn sử liệu so với Việt Nam, những sự chuẩn bị của họ cho việc xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, trường Sa lại rất quy mô, bài bản và đã bắt đầu từ lâu.
Ngay từ sau khi thống nhất và ổn định đất nước (năm 1949), chính quyền Trung Quốc đã huy động các học giả tiến hành các nghiên cứu mới và hệ thống hóa sử liệu cũ với mục đích chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Trong thời gian này, nhiều trung tâm nghiên cứu về Biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa được thành lập và có khoảng 60 công trình của cả cá nhân và tập thể ra đời, dày dặn, bề thế, chẳng hạn Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên (tập thể tác giả, Trần Sử Kiên chủ biên, 1987), Trung Quốc Nam Hải chư đảo địa lý, lịch sử, chủ quyền (Lữ Nhất Nhiên chủ biên, 1992), hay Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo (Lưu Nam Uy, 1996). Nhiều công trình được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới.

So với khối lượng đồ sộ đó, các công trình nghiên cứu của giới học giả Việt Nam vừa ít, không được phổ biến sâu rộng ngay cả trong nước, vừa là những nỗ lực cá nhân rời rạc. Có thể kể ra một vài tác phẩm gần đây như Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tác giả Lưu Văn Lợi, năm 1995); cuốn Hoàng Sa, Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế (Nguyễn Q. Thắng, 2008). Trước đó, vào các năm 1974 và 1975 cũng có một số nghiên cứu độc lập của các học giả Việt kiều như của các ông Võ Long Tê, Trần Minh Tiết. Trong khi nhiều công trình của phía Việt Nam được Trung Quốc tổ chức dịch để giới học giả tham khảo và phản biện (tập san Sử Địa, chuyên đề về Hoàng Sa, Trường Sa, ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung), thì không một tác phẩm nào của phía Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt.
Hầu hết các nhà nghiên cứu Việt Nam đang phải làm việc trong tình trạng đơn lẻ, thiếu hẳn sự hỗ trợ từ một cơ quan phối hợp chung, cũng như thiếu sự trao đổi, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này không có gì đảm bảo giữa các công trình nghiên cứu sẽ không chứa đựng những mâu thuẫn, sơ hở, gây bất lợi cho chúng ta.Vì vậy "cần phải hệ thống hóa lại sử liệu cho thật chặt chẽ, thống nhất, và có một cơ quan phối hợp chung để đảm bảo các công trình nghiên cứu đã (hoặc sẽ) công bố không có những lý luận đối nghịch nhau" như ông Phạm Hoàng Quân phát biểu.

Mặt khác, theo dư luận quốc tế, chưa quốc gia nào có tuyên bố chính thức ủng hộ Việt Nam hay Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy, việc đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra Tòa án Quốc tế không đơn giản, vì nó đòi hỏi sự đồng thuận của cả hai bên. (Tòa không chấp nhận một nước đơn phương kiện một nước khác). Dù vậy, ngay cả khi không làm được điều đó, chúng ta vẫn có thể thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm tuyên truyền, vận động thế giới công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhìn vào những gì phía Trung Quốc đã và đang làm, có thể thấy việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ những nỗ lực ngoại giao hay các nghiên cứu trên giấy, mà cần sự phối hợp đồng bộ các lĩnh vực: ngoại giao, lịch sử, địa lý, thậm chí sinh học, khí tượng học, giới luật gia, truyền thông báo chí và cần một chương trình hành động bền bỉ trong cả nước, dưới sự điều hành và điều phối thống nhất của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước và chính quyền các cấp cần trang bị cho nhân dân thông tin và kiến thức cơ bản về lãnh thổ, lãnh hải của nước mình, để người dân có ý thức bảo vệ Tổ quốc. Điều này sẽ tạo nên một “mặt trận” nữa bên cạnh các “mặt trận” ngoại giao hay nghiên cứu để mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ sự thật lịch sử đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

            Lê Anh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét