Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Nhật ký Trường Sa 2014 Nhớ mãi Trường Sa

    "KHÔNG XA ĐÂU TRƯỜNG SA ƠI!”
                  Nguyễn Thị Sự
Trường Tiểu học Bắc An – Chí Linh Hải Dương

Hải Dương, ngày 10  tháng 5 năm 2014
Vậy là những gì chỉ trong mơ ước nay đã thành hiện thực. Vừa mừng, vừa lo khi sáng nay mình nhận được giấy báo của Trung ương Đoàn mời đi thăm, tặng quà, động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa, đến nơi mà ngày trước anh đã cùng bao đồng đội ngày đêm chắc tay súng giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cảng Cát Lái, ngày 06 tháng 5 năm 2014
Hàng ngàn người có mặt trên bến cảng, tiếng hát “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dươ­ng mang tình thươ­ng quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua v­ượt qua...” cùng những lời gửi gắm, lời chào tạm biệt, những dòng chữ viết vội càng làm cho mình thấy quyết tâm hơn và mong muốn được sớm đến những hòn đảo chìm, đảo nổi. Rồi tiếng còi tàu vang lên... những bóng người dần khuất xa, những bàn tay vẫy cũng mờ dần... Mình lặng lẽ nhìn về đất liền, chắc ngày trước anh lên tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ cũng có cảm giác bâng khuâng như vậy, thế mà anh vẫn quyết tâm ra đảo. Anh bảo, ngoài ấy còn rất nhiều đồng đội của anh đang chờ đợi, còn bao công việc anh đang làm dở dang để bảo vệ chủ quyền đất nước ở nơi đầu sóng ngọn gió...
Anh! lúc này em nhớ anh quá, bởi có anh mà em hiểu thêm về con người và biển đảo, có anh để em luôn cố gắng làm tròn nghĩa vụ của người vợ, người ở hậu phương với người nơi tuyến đầu Tổ quốc, và để hôm nay em được vinh dự cùng đại biểu thanh niên Việt Nam đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa. Nhưng trân trọng và tự hào hơn là em được đến thăm nơi anh đã từng gắn bó bao buồn vui với đồng đội mà anh thường kể với em qua những trang thư...
Ngày 28 tháng 5 năm 2014
Sớm nay, khi còn đang lơ mơ vì say sóng, bỗng có tiếng ai hô to: “Đến đảo Đá Lớn rồi”. Tất cả lao lên boong tàu, mình nhìn quanh mà vẫn không thấy gì cả. Theo hướng tay chỉ của mọi người, mình chỉ thấy có một vệt đen mờ mờ nổi lên trên mặt biển. Rồi đảo cũng dần hiện ra, rõ dần. Xúc động và hồi hộp quá, ai cũng như khỏe hắn ra. Khi anh còn ở ngoài đảo, hàng ngày đến trường, nhìn lên tấm bản đồ, mình chỉ thấy Trường Sa chỉ là những chấm nhỏ li ti, mình đã từng tự hỏi vậy thì anh ở chỗ nào? Thế mà bây giờ mình sắp được bước lên chấm nhỏ li ti đó...
Đá Lớn là đảo chìm, nằm chơi vơi giữa muôn trùng sóng gió. Vậy mà các anh vẫn vững vàng tay súng, không ngại bão tố, phong ba giữ đảo và giữ trời... Thời gian gặp các anh thật ngắn, nhưng mình thấy chứa chan bao tình cảm đầm ấm, thân thương cùng với những cảm xúc dâng trào. Chia tay với bao lời nhắn gửi, đứng trên tàu, mình thầm mong các anh luôn mạnh khỏe, vượt qua muôn trùng sóng gió để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các anh hãy tin rằng, phía sau các anh là nhân dân cả nước đang hàng ngày, hàng giờ vẫn hướng về đảo xa, tin tưởng ở các anh!
Ngày 31 tháng 5 năm 2014
Tiếng còi tàu vang lên, Đoàn công tác tiếp tục cuộc hành trình. Sớm nay Đoàn công tác đến đảo Sơn Ca. Đây rồi, đảo nhỏ thân yêu, hòn đảo mà anh đã đóng quân, từng nghe anh kể không biết bao nhiêu lần để đọng lại trong những trang nhật ký mình viết trong cuộc thi “Tuổi trẻ với tình yêu biển đảo quê hương” do Trung ương Đoàn thanh niên phát động với tựa đề “Viết thay lời yêu anh”.
Rồi tàu dừng lại buông neo, mình cùng đoàn đại biểu lần lượt xuống xuồng vào đảo. Những chiến sĩ hải quân mang quân phục quần xanh áo trắng, mũ có dải yếm bay trong gió mà mình chỉ thấy trên phim ảnh giờ đang đứng thành hàng đón Đoàn công tác trông thật nghiêm trang và đáng yêu biết nhường nào. Bao mệt mỏi đã tan biến hết, trong mình chỉ còn tình cảm trân trọng, thiết tha với người lính đảo. Các anh ở xa đất liền mà vẫn hiên ngang, rạng ngời trước cái nắng, cái gió của biển khơi, song thật dịu dàng, nồng hậu khi khách đến “thăm nhà”. Cả đoàn công tác như bận rộn hơn, mọi người tất bật chuyển quà lên đảo, rồi tranh thủ thăm hỏi, chụp mấy kiểu ảnh cùng chiến sĩ bên cột mốc - chủ quyền của Tổ quốc...
Nhớ lời anh kể, em tìm lại căn phòng xưa anh từng ở, đứng bên cột mốc, nhìn đăm đăm vào chiếc bảng tin mà anh từng kẻ biết bao khẩu hiệu lên đó để xem còn chút bụi phấn nào rơi... Mỗi bước chân đi, em có cảm giác vẫn có anh bên cạnh. Đây rồi cây xoài biển, dưới tán lá xum xuê anh thường ngồi viết thư về thăm em, hái những chùm quả chín đặt lên bàn thờ ngày Tết thay cho trái cây ở đất liền. Có phải vườn rau này ngày xưa anh đã trồng lên đó những cây mồng tơi, rau cải, rau muống, khoa lang? Còn kia, những dây muống biển lá xanh ngát cùng những cánh hoa tím là nơi anh đã chụp ảnh gửi về tặng em phải không? Có phải cây đàn ghi ta này anh đã từng dạo lên những khúc nhạc về quê hương, đất nước, về con người Việt Nam anh dũng, kiên cường? Dấu chân nào của anh còn in trên tường chắn sóng, trên mỗi tuyến hào, doi cát khi anh đi tuần tra?... Đúng rồi, anh đã ở đây thì tất cả đều còn như in hình bóng anh, và em như thấy đảo gần gũi với mình quá, như thấy mình đang ở “ngôi nhà” thân quen mà lâu lắm mới được trở về!
Điện về nhà, anh bảo, em xin phép chỉ huy đảo cho xem cuốn “Sổ vàng truyền thống” năm 1997, ở đó có tên anh và đồng đội do anh viết. Đây rồi, nét chữ thân quen như trong bao lá thư anh gửi về cho em, ở đó anh thường bảo: “Nơi anh đóng quân là một hòn đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu, chỉ có loài chim biển...”. Nhưng anh ạ! Đảo bây giờ không chỉ có đồng đội với loài chim biển, tiếng sóng vỗ, mà còn có tiếng chuông chùa, có bao người dân cùng tiếng trẻ em nô đùa, bi bô học bài, có tiếng gà cục tác, tiếng chó sủa gâu gâu như một làng quê thanh bình, yên ả... Chiều xuống, ngồi ngắm hoàng hôn và lặng nghe tiếng sóng biển rì rào, em mới cảm nhận được nỗi niềm của anh mong một lần em đến thăm đảo để thấy được biển trời của đất nước mình đẹp và nên thơ quá... Cầm trên tay những con ốc càng, ốc nón anh em chiến sĩ trên đảo tặng, mình thấy lòng nao nao, bởi ngày trước anh về cũng tặng mình những con ốc như vậy...
Rời đảo xuống tàu, mình nghẹn ngào không nói lên lời. Biết bao giờ mới được trở lại nơi đây? Trở lại nơi anh đã từng sống, cống hiến tuổi thanh xuân vì sự bình yên của đất nước, nơi có lẽ chỉ một lần trong đời mình được đến...  Tạm biệt Sơn Ca, mong trong đời được một lần mình cùng anh trở lại...
Ngày 31 tháng 5 năm 2014
Chiều nay, tàu đến đảo Nam Yết. Đã quen dần việc thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, nhưng sao lòng mình vẫn hồi hộp, xao xuyến quá. Bởi đây cũng là hòn đảo mà ngày xưa anh từng gắn bó hơn một năm trời.
Khi biết mình có chồng đã từng công tác nơi đây, các anh chỉ huy đảo nhiệt tình chỉ dẫn để mình được thăm lại căn phòng xưa anh từng ở, ngồi dưới tán lá xum xuê của cây bàng vuông, nơi anh thường giảng bài chính trị, dạy chiến sĩ biết yêu hơn đất nước mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Có lần anh kể, cây bàng vuông này có từ lâu lắm rồi, không ai nhớ được, những khi quả bàng vuông già, bọn anh thường hái xuống, ươm cẩn thận, khi nào nảy mầm và cao chừng 20 đến 30 cm thì đem ra trồng, nên bây giờ đảo cũng có nhiều bàng vuông lắm. Anh còn kể, chính ở đảo này, anh đã cùng đồng đội chung tay giữ từng cột nhà, che từng khẩu pháo mỗi lần bão nổi, chia từng ca nước ngọt, nắm rau xanh khi mùa khô đến...
Sơn Ca, Nam Yết ơi! Đảo thân yêu ơi! mình đã đến, đến nơi anh cùng đồng đội đã vượt qua bao tháng ngày gian khó, để hôm nay, đồng đội của anh đang cùng nhau tô đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ Trường Sa và vẫn vững vàng tay súng canh giữ đảo trước muôn trùng sóng của biển khơi!
Ngày 01 tháng 6  năm 2014
Xúc động quá! Tất cả mọi người trên tàu đều khóc khi Đoàn công tác tổ chức thắp hương tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Những lời tri ân trong tiếng nhạc trầm hùng cùng tiếng sóng biển rì rào, từng làn khói hương quyện vào trong gió, vòng hoa bồng bềnh trên mặt biển... càng cho mình thêm kính trọng và biết ơn các anh, những người đã anh dũng chiến đấu hy sinh để chúng tôi có ngày hôm nay. Vĩnh biệt các anh, mình thầm hứa sẽ cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa trong công việc để xứng đáng với các anh, sẽ luôn gắn hình ảnh Trường Sa thân yêu cùng những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời vào trong mỗi bài giảng để giáo dục cho các em học sinh thêm yêu đất nước mình, phấn đấu trở thành những người con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ và sẽ là những người công dân tốt trong tương lai.
Ngày 6 tháng 6  năm 2014
Lần lượt Đoàn công tác thăm, tặng quà, giao lưu trên các đảo Sinh Tồn, Len Đao, Phan Vinh, Đá Tây, Trường Sa... Ở đâu cũng thắm tình quân dân với bao cảm xúc dâng trào và cũng bắt gặp hình ảnh những người lính hải quân hiên ngang, kiên cường nhưng vẫn dịu dàng, tình cảm. Có biết bao điều muốn nói với với các anh mà không nói được, mình chỉ mong các anh luôn vững vàng trước quân thù, vượt qua sóng gió để giữ trọn sự bình yên của đất nước.
Thật may mắn vì chuyến hành trình thuận lợi vì sóng yên biển lặng, mình cảm thấy rất khỏe. Gần 200 người trên tàu đã như trong một nhà. Những cuộc thi văn nghệ, diễn kịch, thi người đẹp, tài năng... cùng các hoạt động làm cho đường đi như ngắn hơn, thời gian cũng dường như trôi đi nhanh hơn. Thế là mình đã được đến với Trường Sa, được biết thế nào là đảo chìm, đảo nổi, được đi trên bãi cát san hô, biết thế nào là cây phong ba, bão táp, bàng vuông, soài biển... được ngắm nhìn những con sóng điệp trùng, bình minh lên, hoàng hôn khi chiều xuống, được thấy từng đoàn thuyền ra khơi, từng đàn cá bơi lội, bao cánh chim bay liệng trên trời... càng làm cho mình thấy yêu hơn biển đảo và những người cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Trường Sa ơi ! nhớ quá những nơi mình đã đi qua, nhớ da diết những người dẫu chỉ một lần được gặp. Trường Sa ơi ! Ở nơi đầu sóng ngọn gió, dẫu còn bao khó khăn, vất vả, nhưng các anh hãy tin rằng, tình yêu từ đất liền vẫn luôn bên các anh, cùng các anh vượt qua bão tố, phong ba. Nhất là trong những ngày này, khi cả nước đang hướng về Biển Đông, phản đối hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta. Và chúng tôi, những thanh niên Việt Nam vẫn luôn sát cánh cùng các anh, bởi mỗi tấc đất đều thấm máu cha ông, đều có công sức của bao thế hệ dựng xây, và cũng bởi và cũng bởi “Không xa  đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh!”
                                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét