Ngày 22 tháng 5, cử tri
cả nước sẽ tham gia bầu cử, đây chính là cơ hội thực hiện quyền làm chủ
của nhân dân để tìm người đủ đức, lựa người đủ tài vào Quốc hội và Hội
đồng nhân dân các cấp.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2016-2021 lần đầu tiên được tiến hành theo Luật bầu cử đại biểu Quốc
hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 - đạo luật được sửa đổi, ban hành mới ngay
sau khi Hiến pháp 2013 ra đời bởi tầm hệ trọng và tính thời sự của nó.
Diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ mang tầm của một sự
kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước, mà cùng với thành công rực rỡ
từ Đại hội XII của Đảng, ngày bầu cử (22/5/2016) sắp tới còn là đợt sinh hoạt
chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Đây cũng là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông
qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại
diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Nói về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí
Minh vĩ đại từng khẳng định: "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó
nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết
bao gian khổ, hy sinh biết bao nhiêu xương máu trong cuộc cách mạng đánh thực
dân và phong kiến mới giành dược nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của
Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu
trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng
của mỗi cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay
mặt cho mình trong Quốc hội."
Kế thừa di sản của Lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh và đồng bào, chiến sỹ, cử
tri cả nước, 13 nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, những ngày đầu năm 2016, trên khắp
đất nước, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đã để lại ấn
tượng tốt đẹp về những thành tựu, kết quả nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong
suốt 70 năm lịch sử.
Phân tích thành công từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội
Việt Nam trên góc độ kinh nghiệm trong tổ chức bầu cử, Chủ tịch Quốc hội khóa
XIII Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia khẳng định thành công
của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân. Đó là cuộc
bầu cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi
tóc, khó khăn chồng chất, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát
khỏi ách nô lệ. Tuy nhiên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ
chức tổng tuyển cử và đưa cuộc tổng tuyển cử đi đến thành công.
Phải khẳng định rằng đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời,
chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực
tiễn sâu sắc. Đây là sự kiện chính trị to lớn và điều quan trọng nhất là được
nhân dân ủng hộ, hưởng ứng và tham gia đi bầu với tỷ lệ gần 90%, bầu ra 333 đại
biểu khắp ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước.
Với ý nghĩa to lớn, lựa chọn những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử
tri, đồng bào để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân
tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
cũng là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của
Đảng, Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân
chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu,
nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa....
Lê Quang Thà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét