Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT NAM BỘ


Lịch sử vùng đất Nam Bộ của Việt Nam vẫn luôn được các đảng đối lập ở Campuchia sử dụng để xuyên tạc, phá hoại quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân, nhà nước Việt Nam và nhân dân, nhà nước Campuchia.
Tuy nhiên, vùng đất Nam Bộ là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, trên cả hai cơ sở lịch sử và pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể :
VỀ MẶT LỊCH SỬ:

Theo các tài liệu ghi chép lại thì vùng Nam Bộ xưa kia vốn là một vương quốc cổ có tên là Phù Nam. Quốc gia Phù Nam ở ven biển, có trình độ phát triển khá cao và mở rộng được phạm vi ảnh hưởng. Thời gian tồn tại của vương quốc Phù Nam là từ trước Công nguyên cho tới thế kỷ thứ VII. Cũng trong thời gian này thì người Khmer cũng đã có vương quốc riêng có tên là Chân Lạp, là một quốc gia xuất hiện ở vùng trung lưu sông Mê Kông, khu vực gần Biển Hồ, lấy nông nghiệp là nghề sống chính (Đây mới chính là vương quốc Campuchia cổ). Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh đã có nhiều nước nhỏ thần phục với tư cách là những thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp. Vào đầu thế kỷ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã tấn công và chiếm lấy. Lãnh thổ Phù Nam về tay Chân Lạp do kết quả của những cuộc chiến tranh.
Sau khi chiếm được Phù Nam, vùng đất này được đặt tên là Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên do khó khăn về lực lượng cộng với hướng phát triển bành trướng lãnh thổ lên phía Tây nên về cơ bản vùng Thủy Chân Lạp này là vùng đất hoang, ít có người sinh sống, khai khẩn. Sự cai quản của Chân Lạp đối với vùng này gần như không có trên thực tế.
Từ cuối thế kỷ XVI và đặc biệt là từ đầu thế kỷ XVII, dưới sự bảo hộ của các Chúa Nguyễn, người Việt đã từng bước khai phá vùng đất này. Người Việt đã nhanh chóng hòa đồng với các cộng đồng cư dân tại chỗ và những cư dân mới đến (người Hoa) cùng nhau mở mang, phát triển Nam Bộ thành một vùng đất trù phú. Cũng từ đây người Việt là cư dân chủ thể và thực sự quản vùng đất này. Từ đó đến nay chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã được khẳng định không chỉ bằng thực tế lịch sử mà còn trên các văn bản có giá trị pháp lý được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
VỀ MẶT CƠ SỞ PHÁP LÝ:
Việt Nam cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh vùng Nam Bộ là thuộc chủ quyền của mình.
Tháng 12 năm 1845 ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên (Campuchia) đã ký một Hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc Việt Nam. Năm sau, triều Nguyễn và Xiêm lại ký một Hiệp ước có nhắc lại điều đó. Đây là Hiệp ước mà sau này Cao Miên cũng tham gia. Như vậy muộn nhất là đến năm 1845 các nước láng giềng với Việt Nam, trong đó có cả Campuchia đã ký các văn bản pháp lý chính thức công nhận vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam.
Pháp tấn công Nam Bộ rồi sau đó lần lượt chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ là các sự kiện thể hiện rõ sự xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ trên vùng đất Nam Bộ, nhưng Campuchia không có bất cứ một phản ứng gì. Trái lại, triều Nguyễn đã điều động quân đội tiến hành kháng Pháp và khi kháng chiến thất bại, đã đứng ra ký các Hiệp định nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông (năm 1862) và 3 tỉnh miền Tây (năm 1874). Đây là những chứng cớ và cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất này.
Sau khi lập ra Liên bang Đông Dương, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử thực thi chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, Pháp đã tiến hành hoạch định biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia theo luật của nước Pháp. Việc khảo sát, đo đạc trên thực địa được tiến hành bởi các chuyên gia Pháp và Campuchia. Năm 1889 giữa Pháp và Campuchia đã ký một loạt các văn bản pháp lý về hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia. Tất cả các văn bản pháp lý này đều khẳng định vùng đất Nam Kỳ hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
Trước những thắng lợi liên tiếp của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 4 tháng 6 năm 1949 tổng thống Vincent Aurol ký Bộ luật số 49 - 733 trả lại Nam Kỳ cho chính quyền Bảo Đại. Trong Bộ luật còn có chữ ký của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp.
Vậy là đến năm 1949, vùng đất Nam Bộ vốn từng bị triều Nguyễn “bán” cho Pháp, đã được trả lại bằng một văn bản có giá trị pháp lý. Chính phủ Pháp còn khẳng định những cơ sở lịch sử và luật pháp của văn bản này với vương quốc Campuchia. Từ đó về sau chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ liên tục được tất cả các Hiệp định định có giá trị pháp lý quốc tế như Hiệp định Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) công nhận.
Từ những điều trên khẳng định lại một lần nữa là vùng Nam Bộ mãi mãi thuộc chủ quyền Việt Nam. Không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét