Kỷ niệm 130 Năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
===========================
Bệnh quan liêu, nạn tham ô và lãng phí - dù ở thời kỳ nào - cũng
làm ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần nhắc tới nạn quan
liêu, tham ô, lãng phí. Người cho rằng, muốn làm tròn nhiệm vụ, nhất là nhiệm
vụ kinh tế tài chính thì phải chống những cái gì là trở ngại.
Báo Nhân Dân số 43 ngày 27/1/1952 đã đăng tải bài nói chuyện của
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết năm Nhâm Thìn 1952, trong đó, Người đã phân
tích về căn bệnh quan liêu, nạn tham ô và lãng phí. Theo đó bệnh quan liêu là
bệnh hình thức không thực tế, xa cách quần chúng, làm không đúng chính sách của
chính phủ và của đoàn thể. Còn nạn tham ô là lấy của công làm của tư. Là gian
lận, tham lam. Còn nạn lãng phí là làm cho nhân dân và chính phủ thiệt thòi hao
tổn kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô.
Chính vì vậy Người cho rằng: "Tham ô và lãng phí đều do
bệnh quan liêu mà ra. Vì vậy từ nay, toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sỹ, toàn
thể cán bộ phải xem quan liêu, tham ô lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ
quốc, với đồng bào. Người phạm tội có tội đã đành, người thấy những tội ấy mà
không nêu ra cũng như có tội".
Và tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm ngày
17/3/1952, Người cho rằng: "Muốn chống tham ô lãng phí phải chống bệnh
quan liêu. Nhưng tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng
tâm. Vậy bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân
dân và chiến sỹ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí bệnh quan liêu".
Việc ghi nhớ và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về
ngăn chặn bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí - luôn là việc làm cấp thiết
trong mọi thời kỳ của cách mạng. Đặc biệt là trong giai đoạn toàn Đảng, toàn
dân đang quyết tâm cao độ đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến,
tự chuyển hóa trong nội bộ - theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII
hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét