Đá Chữ Thập ở Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: People’s Daily. |
Trong lúc thế giới chạy đua kiểm
soát đại dịch virus corona, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu
trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự
quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung
Quốc (CAS), bao gồm nhiều labo về sinh thái học, địa chất học
và môi trường, theo Tân Hoa Xã.
Trong bản tin hôm 20/3, Tân Hoa Xã nói hai trạm nghiên cứu mới đi vào
hoạt động có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên
cứu khoa học tại "Nam Sa", cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc được dẫn
lời trong bản tin cho biết "cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và
biển sâu" nay đã được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung
tâm nghiên cứu được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.
Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi
là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt
Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa
biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển Đông.
Với việc xây dựng các trạm
nghiên cứu, CAS có kế hoạch "thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các
sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung Quốc và các
nước ven biển Đông", theo Tân Hoa Xã.
Các cơ sở này cũng sẽ góp phần
"cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa
chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi
trường biển nhiệt đới".
Collin Koh, một trong những chuyên gia
về an ninh biển hàng đầu khu vực, nói việc Trung Quốc khánh thành hai trạm
nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng.
"Một số người có thể nghĩ rằng
dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm
nóng trên biển này", ông Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế S.
Rajaratnam, Singapore, nói với báo Inquirer.
"Sự thật là tình hình hoàn toàn
ngược lại. PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) được động viên để duy trì
sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona".
"Sử dụng cái mà họ gọi là sáng
kiến 'khoa học phục vụ dân sinh' để khẳng định yêu sách là cách họ thường làm
và cũng là cách mà tất cả chúng ta thường không để ý", ông nói.
"Tuy nhiên cùng lúc, những hệ quả
mang tính chiến lược sinh ra từ đó cũng quan trọng không kém".
Ông Koh tin rằng Trung Quốc sẽ duy trì
sự nhất quán trong hoạt động của họ tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, vì
dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu, hành động của họ có thể không được chú ý.
LQT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét